Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Đi lễ hội chùa Hương du xuân ngày đầu năm

0

Cập nhật vào 06/02

Lễ hội chùa Hương diễn ra đầu tháng Giêng, tuy năm nào cũng không tránh được cảnh đông nghẹt người nhưng vẫn là điểm du lịch, du xuân đầu năm được nhiều người lựa chọn. Kinh nghiệm đi lễ hội Chùa Hương dưới đây sẽ giúp du khách phương xa khỏi bỡ ngỡ và hết lo bị “chặt chém” khi đi lễ.

Chùa Hương những ngày đầu năm

Chỉ vài ngày nữa là lại đến lễ hội chùa Hương (mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch), những người lái thuyền bến Đục có lẽ sẽ không thể thong thả tay chèo để khách tham quan thỏa thích ngắm nhìn và chụp ảnh ở suối Yến như một, hai tháng trước đó.

Chính hội là từ rằm tháng Giêng đến 18 tháng 2 âm lịch. Vào dịp này bạn sẽ có cơ hội tham dự và hòa mình vào không khí tưng bừng cùng những hoạt động sinh hoạt văn hóa của lễ hội. Để tới các địa danh thuộc khu di tích thắng cảnh Chùa Hương du khách phải đi đò qua suối Yến, con suối nằm trong khu di tích thắng cảnh Chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Suối Yến – Chùa Hương mùa hoa súng tháng 11

Lễ hội chùa Hương là lễ hội lớn nhất trong số các lễ hội dịp Tết Nguyên đán ở Hà Nội. Dù tới lễ Phật hay thưởng ngoạn có lẽ mỗi du khách đều không thể quên phong cảnh hữu tình trên dòng chảy dài 4000m dẫn tới chùa Hương. Nếu bạn tới chùa Hương ngoài dịp lễ hội thì thay thế không khí tấp nập, huyên náo là giây phút thảnh thơi ngồi thuyền ngắm cảnh suối Yến.

Suối Yến – Chùa Hương vào mùa hội

Tiết trời se lạnh, lãng đãng khói sương. Tâm hồn du khách như hòa vào sắc xanh của non nước, của cỏ cây, ngây ngất trong sắc tím phớt hồng của hoa súng lững lờ, e ấp. Vào thời điểm này, hoa súng không còn rực rỡ, tràn ngập như độ tháng 11 nhưng suối Yến vẫn đẹp tới nao lòng. Hai bên bờ là những rặng cây thân cành mảnh khảnh in những nét vẽ thanh thoát lên mặt nước trong xanh.

Suối Yến mang tên như vậy là bởi có hình dáng giống như đuôi một con chim yến đang xòe rộng. Người lái đò thân thiện chỉ cho chúng tôi ngọn núi nhấp nhô phía xa xa có hình chú voi đang quay đầu gọi là núi Con Voi. Mỗi cái tên đều thật gần gũi như chính thiên nhiên nơi đây. Cả không gian bao la, sơn thủy hữu tình đẹp đến mức khiến du khách ngỡ như chính mình đang ở trong một bức tranh thủy mặc.

Kinh nghiệm đi lễ hội Chùa Hương

Chùa Hương là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, đặc biệt là những dịp đầu Xuân năm mới. Đi lễ chùa du xuân luôn là một hoạt động được ưa chuộng và một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt. Lễ hội Chùa Hương kéo dài suốt gần 3 tháng, nhiều người muốn đi lễ Chùa Hương vào đúng hội cho nên đây là thời điểm chùa Hương đông du khách nhất trong năm.

Đi du lịch chùa Hương mùa lễ hội đa phần du khách thường có tâm lý lo lắng vì tình trạng “chặt chém”. Bạn sẽ không khó chịu khi bị mất tiền oan với các kinh nghiệm du lịch chùa Hương tránh bị “chặt chém”, tổng hợp từ lời khuyên của những người đã từng đến đây.

Từ năm 2017, khu di tích thắng cảnh Chùa Hương áp dụng giá vé tham quan mới, giá cả các dịch vụ có thể tăng hơn một chút. Đặc biệt, vào ngày hội lượng du khách trẩy hội đông nên đi lại, ăn nghỉ sẽ có chút khó khăn, không khí xô bồ hơn ngày thường. Còn nếu chỉ muốn vãn cảnh tốt nhất bạn nên tránh mùa lễ hội ra. Bạn hãy lên lịch trình và có sự chuẩn bị kĩ càng để có chuyến du xuân đầu năm thật suôn sẻ, vui vẻ nhé.

Vui lòng đánh giá bài viết
Share.

Comments are closed.